Trước đó,ểuramáupháthiệnungthưbàdha cho bà bầu bác sĩ một số bệnh viện tại TP HCM chẩn đoán ông Việt (ngụ Long An) viêm đường tiết niệu. Uống thuốc kê toa tình trạng không bớt, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Hôm 22/10, BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh tiểu máu kéo dài nhưng không có triệu chứng viêm, nhiễm trùng đường tiểu. Bác sĩ nghi ngờ bướu niệu mạc đường tiết niệu, một trong hai nguyên nhân chính gây tiểu máu. Kết quả nội soi bàng quang cho thấy có khối bướu khoảng 2 cm, sần sùi như bông súp lơ, nghi ác tính.
Bác sĩ phẫu thuật cắt trọn khối bướu, bảo tồn bàng quang cho bệnh nhân. Nhờ phương pháp nội soi qua niệu đạo, người bệnh ít đau, hồi phục nhanh, không có sẹo, xuất viện hai ngày sau mổ.
Để diệt tế bào ung thư còn sót lại tại vị trí cũ, ngăn tái phát ở vị trí khác, ông Việt được hóa trị bằng cách bơm hóa chất trực tiếp vào bàng quang. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần tái khám, nội soi bàng quang định kỳ, nếu phát hiện bướu sẽ tiếp tục cắt.
Theo bác sĩ Đạt, nhờ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, ông Việt không phải cắt bàng quang, tránh được nguy cơ đặt ống thông tiểu suốt đời. Ông từng bị lồng ruột, phải cắt đại tràng, đang điều trị Parkinson bằng thuốc nên giữ được bàng quang giúp nâng cao chất lượng sống.
Theo ghi nhận của Globocan năm 2020 tỷ lệ tử vong ung thư bàng quang khoảng 210.000, đứng thứ 11 trong các bệnh ung thư trên thế giới. Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 4 lần nữ giới.
Bác sĩ Đạt cho biết ung thư bàng quang khó nhận biết vì những dấu hiệu đầu tiên nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Dấu hiệu đặc trưng nhất là tiểu ra máu, khoảng 80-90% bệnh nhân có triệu chứng này. Chảy máu xảy ra do các mạch máu tăng sinh nuôi u bị va chạm, tác động nhẹ khi nước tiểu chảy qua, gây xuất huyết, làm rò rỉ máu vào nước tiểu.
Người bệnh có thể tiểu máu từng đợt, nước tiểu có màu đỏ sẫm, hồng, màu coca, lẫn máu cục (tiểu máu đại thể). Một số trường hợp nước tiểu không có màu đặc biệt nhưng xét nghiệm vẫn thấy hồng cầu (tiểu máu vi thể). Người bệnh có thể tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ... do bàng quang kích thích hoặc giảm thể tích. Các triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, trước khi có triệu chứng tiểu máu.
Khi bệnh ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã ăn sâu xuống lớp cơ bàng quang hoặc di căn xa, các triệu chứng thường rõ ràng hơn. Cụ thể là mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, suy sụp nhanh, đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu...
Bác sĩ Đạt lưu ý ung thư bàng quang diễn tiến âm thầm và khả năng tái phát cao. Người có nguy cơ mắc bệnh hoặc tái phát nên tái khám thường xuyên.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh cần cắt bướu, bảo tồn bàng quang. Nếu bướu di căn, tùy vào vị trí, độ xâm lấn và khối lượng u, bác sĩ có thể phải cắt bán phần hoặc toàn bộ bàng quang và các cơ quan có di căn như hạch, tuyến tiền liệt, túi tinh, ống dẫn tinh, thậm chí cả dương vật ở nam giới; tử cung và buồng trứng ở nữ giới.
Bàng quang là cơ quan không thể thay thế chức năng bằng cơ quan khác. Nếu không thể tái tạo được bàng quang, người bệnh phải phụ thuộc tiểu tiện vào ống thông tiểu qua da suốt đời. Với bệnh nhân trẻ, cắt bỏ các các bộ phận sinh sản ảnh hưởng đến khả năng sinh lý, có con.
Nguyên nhân gây ung thư bàng quang hiện chưa được xác định. Theo bác sĩ Đạt, các yếu tố nguy cơ thường gặp là tiếp xúc nhiều với hóa chất (asen, thuốc nhuộm, cao su, các loại sơn...), hút thuốc lá chủ động và thụ động, trên 40 tuổi.
Để phòng bệnh, mọi người không nên hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với hóa chất, uống nước đầy đủ, ăn uống và sinh hoạt điều độ. Người có các dấu hiệu như tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ, nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt tiểu ra máu... cần đi khám sớm để phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Anh Thư